Câu chuyện khá kỳ lạ đang xảy ra đó là một đơn vị có tuổi đời trên 50 năm, doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng, ghi nhận lãi đều đặn mỗi năm lên tới hàng chục tỷ với biên lợi nhuận không hề tệ nhưng lại năm này qua năm khác liên tục “né” lên sàn. Bất chấp việc bị UBCK Nhà nước xử phạt do không đăng ký giao dịch chứng khoán. Công ty được nhắc đến ở đây chính là CTCP Điện Cơ Thống Nhất – OTC: Vinawind.
CTCP Điện Cơ Thống Nhất, tiền thân là Điện Khí Thống Nhất được thành lập từ năm 1965 trên cơ sở sáp nhập 2 bộ phận sản xuất quạt điện của 2 xí nghiệp công tư hợp doanh là Điện Thông và Điện Cơ Tam Quang. Đến năm 1970, đơn vị đã được đổi tên thành Xí nghiệp Điện cơ Thống Nhất. Qua nhiều lần đổi tên, vào năm 2011, công ty đã được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất và cuối cùng được chuyển thành Công ty Cổ phần Điện cơ Thống Nhất vào năm 2015
Công ty có trụ sở đặt tại địa chỉ số 164 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Vũ Đình Đông, hiện đang nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty.
Ngành nghề kinh doanh chính của Vinawind là sản xuất, xuất nhập khẩu các sản phẩm và chi tiết sản phẩm như: quạt điện, chấn lưu, ổ cắm điện và các đồ điện gia dụng khác của ngành điện: điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, sản phẩm cơ, kim khí, dụng cụ gia đình, trang trí nội thất và các mặt hàng tiêu dùng…
Về kết quả kinh doanh từ năm 2019 đến 2021, CTCP Điện Cơ Thống Nhất liên tục ghi nhận doanh thu trên dưới 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng liên tục tăng trưởng. Cụ thể trong năm 2019, doanh thu thuần đạt 1.057 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng. Trong năm 2020, doanh thu thuần không biến động nhiều, ghi nhận 1.046 tỷ đồng với lãi sau thuế đạt 84 tỷ đồng.
Sang năm 2021, dù doanh thu giảm xuống chỉ còn 993 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng lên 104 tỷ đồng. Lý giải cho vấn đề này, có thể thấy rằng chi phí tài chính của Điện Cơ Thống Nhất trong năm 2021 đã giảm từ 43 tỷ đồng trong năm 2020 xuống chỉ còn 9 tỷ đồng. Cộng thêm đó là lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh khác tăng lên 9 tỷ đồng đã giúp đơn vị này dù bị sụt giảm doanh thu nhưng vẫn thu về lợi nhuận cao hơn năm trước.
Ghi nhận qua các năm cũng cho thấy Vinawind liên tục chi trả cổ tức rất đều đặn cho các cổ đông của mình. Ghi nhận trong năm 2020, Vinawind đã lên phương án phát hành cổ phiếu mới và chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 12%, tức là mỗi cổ đông sở hưu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 12 cổ phiếu mới phát hành.
IPO đã 7 năm nhưng vẫn liên tục “né” niêm yết
Nhìn vào kết quả kinh doanh phía trên, ai cũng phải đặt câu hỏi về lý do khiến CTCP Điện Cơ Thống Nhất liên tục “né” việc niêm yết cổ phiếu dù đã IPO được 7 năm trời.
Theo đó, vào ngày 17/03/2015, Sở Giao dịch Chứng Khoán Hà Nội đã thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài của Công ty TNHH MTV Điện Cơ Thống Nhất. Trong đó có 126 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá. Mức giá đấu thành công ghi nhận là 45.200 đồng, thuộc về 3 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức. Tổng số cổ phần đấu giá là 5.751.200 cổ phần, thu về số vốn 243,7 tỷ đồng cho công ty. Đến tháng 8 năm 2015, Công ty TNHH MTV Điện Cơ Thống Nhất đã chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Điện Cơ Thống Nhất.
Kể từ đó đến nay, dù đã qua 7 năm trời, CTCP Điện Cơ Thống Nhất vẫn chưa thực hiện xong hoàn toàn việc niêm yết lên sàn chứng khoán.
Thậm chí, vào ngày 06/05/2019, đơn vị này đã từng bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch chứng khoán. Thêm vào đó, Vinawind còn nhận thêm quyết định xử phạt 60 triệu đồng do không công bố thông tin đúng thời hạn theo quy định của Pháp luật đối với Nghị quyết Hội đồng Quản trị về việc tuyển dụng và bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Quyết làm Kế toán trưởng; miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc theo Nghị quyết Hội đồng quản trị số 156/NQ-ĐCTC-HĐQT ngày 29/8/2018.
Qua 7 năm trời, phải đến ngày 14/06/2022 vừa qua, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho CTCP Điện Cơ Thống Nhất với mã VNW. Số lượng chứng khoán đăng ký là hơn 16 triệu cổ phiếu, tương đương 160 tỷ đồng vốn điều lệ. Nếu lần niêm yết này diễn ra suôn sẻ, cổ phiếu VNW sẽ được giao dịch trên sàn UpCOM, chấm dứt chuỗi 7 năm trời “né” lên sàn của đơn vị này.